Dấu ấn SEAMAP trên biển lớn

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính trị do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam giao, Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển (SEAMAP) còn mở rộng khai thác các hợp đồng cung cấp dịch vụ khảo sát, thành lập bản đồ biển, định vị dẫn đường trên biển cho các đơn vị trong và ngoài ngành Tài nguyên và Môi trường, nâng cao đời sống cán bộ, viên chức và người lao động. Mấy chục năm phục vụ khách hàng, chúng tôi tự hào đã đảm bảo chất lượng dịch vụ và chưa để xảy ra một sai sót kỹ thuật nào. Chúng tôi tự hào với công tác cung cấp dịch vụ của mình, ngoài ý nghĩa kinh doanh, chúng tôi còn góp phần bé nhỏ của mình vào các nhiệm vụ chính trị quốc gia; góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển theo hướng công nghệ, hiện đại – Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển. Chúng tôi xin giới thiệu cuộc trò chuyện với ông.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển

Ông Nguyễn Trung Thành: Nhiệm vụ của Trung tâm trước tiên là vừa phải đảm nhận tốt nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện các dịch vụ trên biển theo chức năng nhiệm vụ được giao là: Thực hiện điều tra cơ bản về khảo sát, đo đạc, thành lập bản đồ biển và hải đảo; cung cấp các dịch vụ đo đạc, thành lập bản đồ, định vị, dẫn đường phục vụ công tác khảo sát, tìm kiếm, thăm dò và khai thác tài nguyên, quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, cứu hộ, cứu nạn trên biển; nghiên cứu ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ đo đạc, định vị dẫn đường trên biển; Trung tâm đã bứt phá mạnh mẽ, khẳng định và nâng cao vị thế của SEAMAP trên thị trường.
Theo đó, trong những năm gần đây Trung tâm đã hoàn thành một số nhiệm vụ và được đánh giá cao đó là: Dự án “Đo đạc và xây dựng các bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5.000 tại một số đảo và cụm đảo lớn, quan trọng”; “Đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 khu vực thềm lục địa từ Ninh Thuận đến Kiên Giang phục vụ nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan”; tham gia “Xác định đường triều cao trung bình nhiều năm, đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm vùng biển Việt Nam phục vụ công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo”; Xây dựng Thông tư Quy định Kỹ thuật và Định mức kinh tế – kỹ thuật đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỉ lệ 1:5000, làm cơ sở phục vụ hoạt động sản xuất, đáp ứng yêu cầu việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; Triển khai dự án “Đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 khu vực còn lại thuộc Vịnh Bắc Bộ phục vụ nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan”. Tham gia dự án “Xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:10.000, 1:50.000; Xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia và thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:100.000 từ đường mép nước đến ranh giới ngoài của lãnh hải”. Thực hiện các đề tài khoa học “Nghiên cứu, đề xuất quy trình đánh giá độ chính xác kết quả đo sâu và xây dựng modul thực hiện quy trình đánh giá”, “Nghiên cứu tích hợp công nghệ GNSS, thủy âm và giải pháp nâng cao độ chính xác phục vụ điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển”,…
Đo đạc khảo sát phục vụ công trình biển
Ngoài ra, Trung tâm chủ động tìm kiếm một số nhiệm vụ dịch vụ có liên quan như: Trắc địa định vị cho các công tác trên biển cho lô 09-1 với đối tác Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro; Các dịch vụ định vị, dẫn đường cho các đối tác khác trong lĩnh vực dầu khí, điện lực,…Tìm kiếm và mở mới các công trình tại các địa phương, trọng điểm là các công trình: “Rà soát, tổng hợp, đo đạc bổ sung thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1/10.000 khu vực biển ven bờ tỉnh Khánh Hòa (vùng biển có độ sâu đến 50 mét nước)”; Điều tra, khảo sát thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Bình Thuận;…Xác định đường mực nước triều thấp nhất trung bình nhiều năm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng; Lập Hồ sơ giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân tại các địa phương như Khánh Hòa, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang;…Tất cả các nhiệm vụ được đánh giá cao về chất lượng và tiến độ thực hiện, làm nền tảng, cơ sở cho các dự án thành phần có liên quan, góp phần khẳng định vai trò chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia đóng góp phát triển khoa học công nghệ, sẵn sàng hội nhập quốc tế trên biển.
Những kết quả ông vừa chia sẻ ở trên phần nào cho thấy tính chuyên nghiệp, năng động trong chuyên môn nghiệp vụ điều tra trắc địa biển. Vậy theo ông, yếu tố nào đã làm nên điều đó?
Ông Nguyễn Trung Thành: Năng lực, đoàn kết, sáng tạo là một trong những yếu tố làm nên thành công, bền vững của đơn vị chúng tôi. Trong công việc, chúng tôi luôn có sự thống nhất giữa Đảng ủy và chính quyền, phối hợp tốt giữa chính quyền với công đoàn và Đoàn thanh niên. Ban lãnh đạo Trung tâm đảm bảo sự lãnh đạo tập thể dân chủ, đồng thời tôn trọng chế độ Thủ trưởng trong mọi hoạt động của Trung tâm. Vai trò của công đoàn được xác định đúng trong việc động viên người lao động, đảm bảo quyền lợi và chăm lo về mặt đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo cán bộ bắt nhịp với công nghệ mới về đo đạc bản đồ, định vị trên biển là yếu tố sống còn đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo hoạt động; Không ngừng phát huy sức sáng tạo của viên chức và người lao động trong công việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Khuyến khích lao động giỏi, sáng kiến trong lao động sản xuất, điển hình là “Tạo các bộ công cụ hỗ trợ công tác biên vẽ, biên tập và thành lập bản đồ trong phần mềm chuyên ngành MicroStation”, “Tự động kiểm tra và biên tập lỗi chồng đè một số đối tượng trên bản đồ”… giúp nâng cao năng suất lao động, giải quyết triệt để những sai sót do thao tác của các tác nghiệp viên, chất lượng kỹ thuật đảm bảo; Phân tích và định hướng đúng nhu cầu thị trường, có hướng đầu tư vào công nghệ và đào tạo chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, tránh lãng phí và tụt hậu.
Vậy trong quá trình triển khai công việc, điều gì làm ông cùng ban lãnh đạo Trung tâm trăn trở hiện nay? 
Ông Nguyễn Trung Thành: Trong những năm gần đây, công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng chế độ, chính sách Nhà nước (Nghị định số 141/2016/NĐ – CP ngày 10/10/2016) còn nhiều vướng mắc; công tác tổ chức cán bộ chưa ổn định, ảnh hưởng tới công việc; Chế độ chính sách cho người làm việc trên biển của đơn vị sự nghiệp công lập đến nay vẫn chưa rõ ràng, không sát với thực tế công việc, không thu hút và động viên được người lao động làm việc trên biển. Hoạt động kinh tế trên biển giảm, đặc biệt là khai thác dầu khí dẫn tới công việc định vị giảm, giá dịch vụ luôn bị giảm ảnh hưởng lớn đến khai thác việc làm của Trung tâm. Tình hình Biển Đông luôn nóng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người làm việc trên biển; Công việc lưu động do các đơn vị trực thuộc hoạt động không tập trung trên một địa bàn. Dịch Covid-19 kéo dài suốt năm 2020 đến nay và ngày càng diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến triển khai các công việc của Trung tâm.
Để khuyến khích người lao động tiếp tục gắn bó với đơn vị và nhiệm vụ chuyên môn, lãnh đạo Trung tâm muốn gửi thông điệp gì đến họ?
Ông Nguyễn Trung Thành: Việc tạo mối liên hệ mật thiết gắn bó và giữ gìn mối quan hệ đó giữa người lao động và đơn vị là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Trong hoàn cảnh hiện tại, với những khó khăn đã nêu, vấn đề trên càng phải được chú trọng thường xuyên và liên tục. Lãnh đạo đơn vị xin được gửi những lời tri ân tới đội ngũ làm công tác trắc địa biển với tinh thần “Thực hiện tốt nhiệm vụ, cùng Trung tâm vững bước vươn ra biển lớn”;
Với những cán bộ công nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ trên biển: “Hãy thực hiện tốt chức trách được phân công, làm đầy đủ nghĩa vụ và yêu cầu của công việc, đảm bảo an toàn lao động và giữ mối liên hệ mật thiết với địa phương nơi công tác”;
Tình hình biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp. Chủ quyền quốc gia trên biển luôn đòi hỏi mỗi người dân nước Việt góp công, góp sức để giữ gìn. Trong trách nhiệm chung của dân tộc, cán bộ công nhân viên của đơn vị càng thể hiện bản lĩnh vững vàng, không sợ khó khăn nguy hiểm, luôn làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao.
Tình hình dịch Covid – 19 đang diễn biến rất phức tạp đòi hỏi mỗi cán bộ, viên chức và người lao động Trung tâm luôn bình tĩnh, đoàn kết, thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, cơ quan về phòng chống dịch bệnh để chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch Covid-19.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bài viết được đăng tải trên báo Tài nguyên & Môi trường.