Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển – Tự tin tỏa sáng trên hành trình định vị đi tìm tài nguyên biển

   TN&MTTrải qua 25 năm hình thành và phát triển, Seamap tự tin tỏa sáng trên hành trình định vị đi tìm tài nguyên biển, góp phần không nhỏ vào sự phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường nói riêng và sự phát triển bền vững chung của đất nước nói chung. Hoạt động của Seamap tập trung vào các lĩnh vực đo đạc, thành lập bản đồ biển và hải đảo, định vị dẫn đường trên biển, đo đạc, khảo sát địa hình phục vụ xây dựng công trình biển, định vị ngầm, định vị bề mặt, tư vấn chuyển giao và đào tạo công nghệ.

   Vậy 25 năm vươn ra biển lớn, Seamap đã để lại những dấn ấn gì trong nhiệm vụ chuyên môn, đóng góp được gì cho sự phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường ở lĩnh vực biển, hải đảo. Ông Nguyễn Trung Thành – Phó Giám đốc Seamap đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường về một số kết quả đã đạt được, xin giới thiệu đến bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện sau đây:

   Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển – Tự tin tỏa sáng trên hành trình định vị đi tìm tài nguyên biển

Z4925044832408 Bda4941518712cc86947da4f27912bb1

 Ông Nguyễn Trung Thành- Phó Giám đốc Seamap

   PV:  Xin ông cho biết đôi chút về nhiệm vụ đặc thù của Seamap, trong hành trình vươn ra biển lớn, Seamap đã đi và đạt được những dấu ấn quan trọng gì, thưa ông?

   Ông Nguyễn Trung Thành: Hoạt động của đơn vị chúng tôi chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực đo đạc, thành lập bản đồ biển và hải đảo, định vị dẫn đường trên biển, đo đạc, khảo sát địa hình phục vụ xây dựng công trình biển, định vị thủy âm USBL, định vị bề mặt DGNSS, tư vấn chuyển giao và đào tạo công nghệ.

   Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, Seamap gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu trang thiết bị, công nghệ và kỹ thuật, nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực của Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ Seamap, đơn vị đã ổn định, phát triển từng bước một, ghi dấu ấn qua thời gian.

   Một trong những nhiệm vụ đầu tiên, Seamap đã phối hợp cùng với Viện Nghiên cứu địa chính xây dựng, lắp đặt và đưa vào vận hành Trạm định vị DGPS cố định ven bờ biển tại Đồ Sơn (Hải Phòng) với tầm phủ sóng lên tới 500km. Đây là trạm DGPS cố định đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, hòa vào mạng lưới các trạm định vị GPS khu vực châu Á Thái Bình Dương, đóng mới và đưa vào vận hành tàu Đo đạc biển 01 và cũng là con tàu đo đạc biển chuyên dụng đầu tiên của ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam.

   Năm 2001, Seamap được Tổng Cục Địa chính giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng trạm định vị DGPS cố định ven biển Vũng Tàu với tầm hoạt động 700km. Nhiệm vụ này được Seamap thực hiện thành công, cũng từ đó, Seamap mở ra nhiều bước tiến mới cho công cuộc phát triển chuyên môn nhiệm vụ của mình.

Năm 2003, Seamap được đặt dưới sự quản lý của Cục Đo đạc và Bản đồ, (nay là Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam) thuộc Bộ TN&MT. Năm 2008 Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ TN&MT được thành lập. Seamap chuyển nguyên trạng từ Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sang Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

   Năm 2018, thành quả nổi bật trong hoạt động đo đạc định vị của Seamap là 254 mảnh bản đồ địa hình có tỷ lệ 1/50.000 với tổng diện tích 188.675 km2, 93 mảnh bản đồ tỷ lệ 1/10.000 với tổng diện tích 4421km2, 33 mảnh bản đồ lãnh hải có tỷ lệ đồ 1/10.000 với tổng diện tích 1074km2, 292 mảnh bản đồ tỷ lệ 1/5.000 với tổng diện tích là 2.591 km2.

   Năm 2019 là năm đầu tiên Seamap bước vào thực hiện hoạt động theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao, Seamap tiếp tục thực hiện dự án “Đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 khu vực thềm lục địa từ Ninh Thuận đến Kiên Giang phục vụ nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan”.

   Về nhiệm vụ quản lý, vận hành các trạm DGPS Đồ Sơn, Vũng Tàu, hàng năm đã thực hiện công tác quản lý, vận hành các trạm DGPS tốt. Ngoài ra, bảo dưỡng tàu Đo đạc biển 01 những tháng không tham gia sản xuất trong năm theo quy định. Năm 2019, Seamap đã ký được 05 bổ sung hợp đồng dịch vụ định vị cho các công tác trên biển của Liên doanh Việt Nga – Vietsovpetro; trúng gói thầu, ký mới được 09 hợp đồng cung cấp dịch vụ đối với các khách hàng khác.

   Năm 2020, Seamap tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cán bộ lãnh đạo các cấp; triển khai thực hiện nhiệm vụ thực hiện tốt các dự án, nhiệm vụ được Bộ TN&MT phê duyệt; duy trì và thực hiện tốt các quy trình của hệ thống quản lý Chất lượng – An toàn theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015 và ISO 45001:2018; tiếp tục khai thác thị trường, mở rộng thị trường, ổn định đơn vị về mọi mặt; đào tạo nguồn nhân lực trẻ, tinh nhuệ và trách nhiệm.

   Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển – Tự tin tỏa sáng trên hành trình định vị đi tìm tài nguyên biển

Thứ Trưởng Lê Minh Ngân Và Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Biển Và Hải đảo Việt Nam Kiểm Tra Công Trình Kỹ Thuật Của Seamap

   Thứ trưởng Lê Minh Ngân cùng một số cán bộ Bộ TN&MT kiểm tra công trình kỹ  thuật của Seamap

   Từ năm 2021 đến nay, mặc dù có nhiều ảnh hưởng chung, cùng với việc máy móc, thiết bị chuyên dụng phục vụ khảo sát, đo đạc biển đã cũ, xuống cấp do tác động của môi trường biển, một số đã hỏng và thường xuyên phải sửa chữa, nhưng với nền tảng đã có, Seamap đã, đang thể hiện sự quyết tâm đồng hành ra biển bằng khoa học – công nghệ để hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó đảm bảo hoàn thành theo kế. Một trong những nhiệm vụ cụ thể như dự án: Đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 khu vực thềm lục địa từ Ninh Thuận đến Kiên Giang; Giai đoạn I Dự án “Đo vẽ 23 mảnh bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 khu vực còn lại thuộc Vịnh Bắc Bộ phục vụ nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan”; Dự án “Xác định đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường 03 và 06 hải lý tại các đảo/cụm đảo lớn của Việt Nam phục vụ công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo (năm 2022 – cụm đảo Cát Hải – Hải Phòng).

   Ngoài ra, Seamap còn thực hiện xây dựng các thuyết minh, đề cương chi tiết các dự án: “Đo vẽ, thành lập bản đồ, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển Vườn Quốc gia Bái Tử Long”;” Ứng dụng công nghệ đo đạc bản đồ trong điều tra, đánh giá hiện trạng, kiểm kê và đề xuất giải pháp bảo tồn, sử dụng bền vững khu đất ngập nước ven biển, ven đảo (thí điểm cho 3 vùng đại diện ven biển,ven đảo Việt Nam – phối hợp với Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ – Bộ TN&MT); Kiểm tra, giám sát định kỳ các trạm định vị vệ tinh (DGPS) cố định ven bờ Vũng Tàu, Đồ Sơn và Quảng Nam.

   Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, chính trị, Seamap còn chủ động tìm nguồn dịch vụ để nâng cao đời sống cho người lao động, đồng thời nâng tầm chuyên môn về trắc địa biển, theo đó Seamap đã ký 04 hợp đồng bổ sung với đối tác Liên doanh Việt Nga – Vietsovpetro; gia hạn hợp đồng với PTSC G&S; đã ký với các khách hàng về công tác cung cấp dịch vụ lấy mẫu môi trường; định vị dịch giàn; cung cấp dịch vụ khảo sát; tư vấn lập hồ sơ giao khu vực biển. Với sự nỗ lực như vậy, thu nhập bình quân của người lao động toàn Seamap năm 2022 đạt xấp xỉ 1.6 lần lương cơ bản.
   Seamap đã đóng góp đáng kể trong các hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ biển và hải đảo và góp phần không nhỏ trong việc cung cấp dịch vụ khảo sát định vị cho khách hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt, với liên doanh dầu khí Việt Nga trong thăm dò, khai thác dầu khí tại các mỏ Bạch Hổ, Đại Hùng, Cá Tầm và nhiều khách hàng khác với các công trình tiêu biểu như: khảo sát, phục vụ nạo vét khu vực cảng Cái Lân, khảo sát các tuyến cáp điện xuyên biển ra đảo Cô Tô, đảo Lý Sơn, Hà Tiên, Phú Quốc. Khảo sát cửa sông Thu Bồn, Cửa Đại, Hội An, khảo sát địa hình đáy biển Block 05 – 3/11 cách biển Vũng Tàu 375 km, khảo sát phục vụ triển khai mỏ Sư Tử trắng, khảo sát tuyến cáp ngầm ra đảo Plathong, Thái Lan. Trong những công trình mang dấu lịch sử đó, Seamap tự hào khi được làm việc với các đối tác tin cậy, khách hàng trong và ngoài nước.

PV: Xin chúc mừng những thành tựu mà SeaMap đã đạt được trong những năm tháng qua, vậy thành tố nào đã làm nên những kết quả đó thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Thành: Yếu tố đầu tiên phải nói đến là năng lực của Ban lãnh đạo điều hành qua các thời kỳ, nguồn nhân lực chất lượng cao, có trách nhiệm với công việc chuyên môn, và hơn thế nữa là SeaMap có sự kết nối, đoàn kết.

Z4925092416954 56a5f53105b89935caff8c1ab8b72098

Hiện Seamap có 130 nhân lực có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và trình độ ngoại ngữ tốt. Trong đó, có 15 Thạc sĩ, 87 Đại học và Cao đẳng, hàng chục chuyên gia được đào tạo chuyên sâu về ngành đo đạc và bản đồ tại các trường của các nước có nền khoa học, kỹ thuật phát triển như Liên Xô cũ, Nauy, Singapore, Mỹ…Năng lực về kỹ thuật, công nghệ đo đạc và bản đồ, định vị, dẫn đường, khảo sát trên biển của Seamap hiện đứng hàng đầu ở Việt Nam. Các sản phẩm về đo đạc và bản đồ, định vị, khảo sát biển của Seamap đã được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế tin tưởng và đánh giá tốt.

Bên cạnh đó, công tác Đảng, Đoàn thể luôn được Seamap quan tâm chú trọng. Cán bộ, Đảng viên có lập trường, tư tưởng vững vàng trong mọi công việc, phát huy tính đoàn kết, sáng tạo góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm. Vai trò của công đoàn được xác định đúng trong việc động viên người lao động, đảm bảo quyền lợi và chăm lo về mặt đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

Seamap luôn chú trọng đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo cán bộ bắt nhịp với công nghệ mới về đo đạc bản đồ, định vị trên biển là yếu tố sống còn đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo hoạt động. Ngoài ra, Seamap khuyến khích lao động giỏi, sáng kiến trong lao động sản xuất giúp nâng cao năng suất lao động, giải quyết triệt để những sai sót do thao tác của các tác nghiệp viên, chất lượng kỹ thuật đảm bảo; Phân tích và định hướng đúng nhu cầu thị trường, có hướng đầu tư vào công nghệ và đào tạo chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, tránh lãng phí và tụt hậu.

PV: Được biết trong 5 năm trở lại đây, Seamap đã rất chú trọng để mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, vậy Seamap đã hợp tác được những gì trong chuyên môn, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Thành: Chúng tôi có được những kết quả ngày hôm nay và sự tự tin vươn ra biển lớn một phần được sự đồng thuận hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế như Nga (Công ty định vị Biển LB Nga ROMONA), Mỹ (Công ty ESRI Hoa Kỳ),..trong việc ký kết hợp tác, chuyển giao đưa công nghệ tiên tiến của Liên bang Nga và sự kết hợp giữa các công nghệ của Liên bang Nga và thế giới để nâng cao độ chính xác công tác khảo sát, điều tra cơ bản lĩnh vực biển và hải đảo phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo. Đồng thời, thỏa thuận với đối tác là Công ty nổi tiếng về lĩnh vực trắc địa, định vị biển của Liên bang Nga về vấn đề hợp tác mở rộng phạm vi hoạt động, quan hệ quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực trắc địa và bản đồ biển để phục vụ tốt hơn cho công tác điều tra, khảo sát và quản lý biển và hải đảo của Việt Nam.

PV: Với những nỗ lực như vậy, Seamap đã được cấp trên đánh giá, ghi nhận như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Thành:

Seamap nhiều năm liền đều đạt Tập thể xuất sắc. Đặc biệt, Seamap đã vinh dự được Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động Hạng 3. Ngoài ra, hằng năm đều được Bộ TN&MT và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (nay là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam) tặng Bằng Khen Tập thể lao động xuất sắc, danh hiệu tập thể lao động xuất sắc (Quyết định 554/QĐ – BTNMT; Quyết định số 1455/QĐ-BTNMT; Quyết định 79/QĐ – TCBHĐVN; Quyết định 1023/QĐ – BTNMT; Quyết định 1337/QĐ – BTNMT; Quyết định 3261/QĐ – BTNMT; Quyết định số 161/QĐ-TCBHĐVN; Quyết định số 91/QĐ-TCBHĐVN; Quyết định số 92/QĐ-TCBHĐVN; QĐ số 130/QĐ-TCBHĐVN ngày 13/5/2022; QĐ795-BTNMT ngày 20/4/2022; QĐ số 1422/QĐ-BTNMT; QĐ số 328/QĐ-TCBHĐVN ngày 30/12/2022; QĐ số 4040/QĐ-BTNMT,…và rất nhiều thành tích khác cho cá nhân, tổ – đội làm nhiệm vụ chuyên môn ngoài biển.

 

Ngọc Diệp ( Báo TN&MT thực hiện)