SEAMAP – ROMONA, 23 NĂM HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN

Thực hiện Quyết định số 149/QĐ-ĐĐBĐVN ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam về việc cử cán bộ đi công tác tại Cộng hoà Liên bang Nga và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển (SEAMAP) với Công ty Định vị biển Liên bang Nga (ROMONA), thời gian công tác từ ngày 18 tháng 6 năm 2023 đến ngày 30 tháng 6 năm 2023. Đại diện Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển – Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam do Ông Dương Quốc Lương, Giám đốc Trung tâm đã dẫn đầu Đoàn công tác tham dự.

Luong 1

Ông Dương Quốc Lương, Giám đốc Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển và Ông Sergey Antipov, Tổng giám đốc Công ty Định vị biển Liên bang Nga ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên tại thủ đô Mátxcơva, Liên bang Nga.

     Mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm, làm việc tại liên bang Nga là ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên. Trước khi ký kết, Đoàn công tác đã thăm trụ sở làm việc của Romona, tại đây Đoàn công tác được Ông Sergey Antipov, Tổng giám đốc Công ty Định vị biển Liên bang Nga giới thiệu về lĩnh vực trắc địa bản đồ biển nói chung, các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của Liên bang Nga và sự kết hợp giữa các công nghệ của Liên bang Nga và thế giới để nâng cao độ chính xác công tác khảo sát, điều tra cơ bản lĩnh vực biển và hải đảo phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo. Đoàn công tác được giới thiệu về hoạt động của ROMONA trong lĩnh vực khảo sát, định vị biển phục vụ quản lý nhà nước về biển, hải đảo của nhà nước Liên bang Nga và các hoạt động phục vụ khảo sát, thăm dò tài nguyên biển của ROMONA trong phạm vi Liên bang Nga và trên thế giới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về sự hợp tác 23 năm qua giữa SEAMAP và chi nhánh của ROMONA tại số 12 Lê Lợi, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam.

     Sau buổi giới thiệu, Đoàn công tác của SEAMAP đã làm việc với ban lãnh đạo ROMONA và ký Biên bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác giữa hai đơn vị trong thời gian tới và mở rộng thêm một số lĩnh vực, cụ thể như sau:
– Tiếp tục mở rộng hợp tác giữa ROMONA và SEAMAP ở Đông Nam Á và Liên bang Nga;
 
– Sử dụng thiết bị và nhân lực của SEAMAP trong các công trình của ROMONA tại Đông Nam Á (Thái Lan, Myanmar…) và vùng Viễn đông của Liên bang Nga;
– Tiếp tục sử dụng thiết bị và nhân lực của ROMONA trong các công trình của SEAMAP tại Việt Nam;
 
– Phía ROMONA hỗ trợ SEAMAP bằng việc cung cấp thiết bị và nhân lực trong việc thực hiện các công việc liên quan đến khảo sát địa chất biển, địa vật lý… trong các công trình của SEAMAP tại Việt Nam;
 
– Thực hiện việc đào tạo cho các cán bộ kỹ thuật của SEAMAP tại chi nhánh của ROMONA ở TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam và thông qua sự giúp đỡ của ROMONA để đào tạo cán bộ kỹ thuật của SEAMAP tại các cơ sở đào tạo định vị biển ở Liên bang Nga;
 
– Hai bên tiếp tục hợp tác để thực hiện việc Marketing, giúp đỡ nhau nhận và hoàn thành các công trình;
 
– Sự hợp tác được cụ thể hóa bằng các hợp đồng kinh tế giữa SEAMAP và ROMONA;
 
– Mỗi năm hai bên sẽ hội đàm ít nhất một lần tại Việt Nam và một lần tại Liên bang Nga để giải quyết các vấn đề về hợp tác giữa hai bên.
 
Cũng trong thời gian ở Mátxcơva, sau buổi làm việc với ban lãnh đạo Công ty ROMONA, Đoàn đã tham dự Hội thảo tại trụ sở của Công ty với một số nội dung chính như sau:
 
– Nâng cao tính chính xác và hiệu quả trong công tác điều tra và khảo sát biển sử dụng hệ thống định vị GLONASS (Liên bang Nga), kết hợp với hệ thống định vị GNSS;
 
– Sử dụng hệ thống định vị GLONASS trong công tác quản lý hoạt động khai thác tài nguyên, biển và hải đảo.

     Rời thủ đô Mátxcơva, Đoàn công tác đến thành phố Saint Petersburg thăm và làm việc với Công ty MIT Ltd (Công ty Dịch vụ định vị), đây là công ty chuyên hoạt động về lĩnh vực Dịch vụ công nghệ, kỹ thuật định vị trên biển và trên đất liền. Tại đây Đoàn đã được Ông Andrey Gaisenok, Giám đốc điều hành công ty giới thiệu về hoạt động của Công ty. Đoàn công tác được nghe giới thiệu về công tác quản lý hoạt động, ứng dụng công nghệ trên biển Baltic sử dụng hệ thống định vị GLONASS và các hệ thống định vị toàn cầu khác. Qua đó có thể nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống định vị tại Việt Nam, theo dõi, quản lý được tốt hơn các tàu đánh cá, các tàu khảo sát để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho ngư dân và những người làm công tác khảo sát trên biển tránh khỏi các rủi ro của thời tiết và các bất cập khác trên biển.

Nga3

Đoàn công tác của Seamap thăm và làm việc với Công ty MIT Ltd, tại thành phố Saint Petersburg.

     Chuyến thăm và làm việc tại Cộng hoà Liên bang Nga của Đoàn công tác Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển – Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với đối tác là Công ty nổi tiếng trong lĩnh vực trắc địa, định vị biển của Liên bang Nga về vấn đề hợp tác, mở rộng phạm vi hoạt động, quan hệ quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực trắc địa và bản đồ biển để phục vụ tốt hơn cho công tác điều tra, khảo sát, quản lý biển và hải đảo của Việt Nam.